Thay đổi cách tính lương hưu
Đây là một trong hàng loạt điểm mới tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Luật sửa đổi sẽ tăng dần số năm đóng BHXH với lao động nam để được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Để được hưởng mức này, người nghỉ hưu năm 2018 cần đóng BHXH trong 16 năm, năm 2019 cần 17 năm, năm 2020 cần 18 năm, 2021 cần 19 năm, từ năm 2022 trở đi cần 20 năm.
Đối với nữ, để được hưởng mức lương hưu 45%, cần đóng BHXH trong 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được cộng thêm 2%, nhưng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, để được hưởng mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ đóng 30 năm.
Theo công thức tính lương hưu cũ (Luật BHXH năm 2006), người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Mức bình quân lương hằng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Theo BHXH Việt Nam, lộ trình này nhằm tiến tới thực hiện tính bình quân chung của cả quá trình đóng, bảo đảm bình đẳng giữa khu vực trong và ngoài nhà nước. Cụ thể như sau:
Đối với người tham gia BHXH trước năm 1995: Tính bình quân lương 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 1995-2000: Tính bình quân lương 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 2001-2006: Tính bình quân lương 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 2007-2015: Tính bình quân lương 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 2016-2019: Tính bình quân lương 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 2020-2024: Tính bình quân lương 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu để tính lương hưu;
Đối với người tham gia BHXH từ năm 2025: Tính bình quân lương toàn bộ thời gian đóng BHXH để tính lương hưu
Một nội dung đáng chú ý khác là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc. Quy định về vấn đề này được thiết kế theo hướng từ khi luật có hiệu lực thi hành (1-1-2016) đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.